Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những thành ngữ như: Giấc Nam Kha, Tây Thi, Nguyệt Lão, Liễu Chương Ðài ... hoặc Prômêtê, Gót Asin, Hồng Thủy ... hoặc Tú Bà, Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ ... Ðó là những Ðiển tích, lấy trong văn hóa cổ, kim của Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam, thường là những tên người, tên đất, những hình tượng văn học trong thần thoại, truyền thuyết, văn học, lịch sử ..., đầy tính thơ ca và chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa.
Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống của bạn đọc, góp phần nhỏ bé nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa nhân loại, chuyên mục "Ðiển tích Văn học" của NetCodo ra đời với mục đích ấy. Hàng tuần, vào ngày thứ Bảy, mời các bạn đến với chuyên mục của chúng tôi!
ANH HÙNG LƯƠNG SƠN BẠC
Ðầm Lương Sơn (hay Lương Sơn Bạc, thuộc đất Sơn Ðông, Trung quốc) hồi thế kỷ XII, là nơi tụ nghĩa, khởi binh chống lại triều đình nhà Tống phong kiến tàn bạo, của 108 hảo hán, đứng đầu là Tống Giang. Cuộc khởi nghĩa bao gồm hàng vạn trí thức và nông dân này, đã được nhà văn Thi Nại Am, thời cuối Nguyên đầu Minh, viết thành một tiểu thuyết vô cùng hào hùng và đầy tính bi kịch, bộ Thủy Hử nổi danh toàn thế giới.
Dưới trướng của Tống Giang là những anh hùng hào kiệt, từ tứ phương kéo tới, mỗi người với một chân dung, một cuộc đời có cá tính độc đáo: Tống Giang, nhà văn hóa đức độ, nhân đạo; Tiều Cái, Lâm Sung, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lý Qùy... mỗi nhân vật này để lại những dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn người phương Ðông. Các tướng chiêu mộ, luyện tập binh mã, dựng cờ khởi nghĩa, tuyên bố "Thay trời hành đạo".
Quân khởi nghĩa khí thế bừng bừng ào ào đánh chiếm Lý Gia Trang, rồi Hồ Gia Trang; ba lần đánh phá Chúc Gia Trang. Thừa thắng, nghĩa quân tiến đánh phủ Cao đường rồi phủ Ðại Danh. Thanh thế Lương Sơn Bạc ngày càng lớn. Triều đình hoảng sợ, nhiều lần cử đại quân đánh dẹp, nhưng mỗi lần đều bị đánh tan tác. Tống Giang cho lập đàn siêu sinh tịnh độ cho binh sĩ chết trận; các anh hùng hảo hán làm lễ chích máu ăn thề, nguyện một lòng giữ cho đời sống của dân chúng thái bình, tự do, no đủ. Giang sơn Lương Sơn Bạc thu phục được, thật vững vàng.
Song, Tống Giang không vượt được "tư tưởng chính thống" mong muốn quay trở về triều đình để cùng triều đình "xây dựng giang sơn". Vì vậy, khi Hoàng đế nham hiểm xuống chiếu chỉ "liên hồi", Tống Giang đã bó tay về với triều đình. Vua tìm mọi mưu mô phân tán, chia lẻ lực lượng hùng hậu Lương Sơn Bạc. Tống Giang bị Vua đầu độc chết trong một buổi tiệc mừng. Các tướng khác hoặc chết trận, hoặc bị triều đình thủ tiêu rất hèn hạ. Cuộc khởi nghĩa Lương Sơn Bạc bị tiêu diệt hoàn toàn. Nói đến Thủy Hử, là nói đến những anh hùng hảo hán, đến sự dao động của lãnh tụ Tống Giang, đến sự phản bội nham hiểm của quyền lực thống trị.
Thông tin trên mạng Netcodo
Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ tại
Ban Biên Tập Mạng Netcodo
Ðiện thoại: (54)847247 - Email Intranet: quantri@netcodo.vnn.vn
Email Internet: netcodo@hue.vnn.vn